Hiệu quả xóa nghèo đa chiều, góp phần tích cực xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Xã Long Phú, huyện Long Phú, hiện có 3.378 hộ, với 12.235 khẩu, trong đó hộ đồng bào Khmer chiếm 72,48%, dân tộc Kinh 27,22%, còn lại là dân tộc Hoa. Người dân xã Long Phú, sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, chăn nuôi và mua bán nhỏ lẻ, nên thu nhập chưa cao. Để thực hiện đạt các tiêu chí trong Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, nhất là tiêu chí số 11 (về nghèo đa chiều). Hơn 10 năm qua, cả hệ thống chính trị của xã Long Phú, không ngừng nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra.
Tiêu chí số 11, (nghèo đa chiều), là một trong những nhóm tiêu chí rất quan trọng và khó thực hiện trong công tác xây dựng nông thôn mới. Thể nhưng, với sự quyết tâm nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chính trị - xã hội xã Long Phú đã thực hiện đạt mục tiêu đề ra. Địa phương đã hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, đào tạo nghề cho 324 lao động, giới thiệu và giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động; tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vay vốn xây dựng các mô hình phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế hộ, đồng thời tranh thủ nguồn vốn từ các Chương trình, Dự án, phối hợp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất, chăn nuôi, mở các lớp tập huấn dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là hộ đồng bào Khmer, từ đó hộ nghèo của xã giảm xuống qua từng năm, tỷ lệ hộ tái nghèo rất thấp. Điển hình như trường hợp gia đình ông Huỳnh Khêl (sinh năm 1966), ở ấp Nước Mặn 2, xã Long Phú, trươc đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất; gia đình nuôi và chăm sóc đến 06 miệng ăn (04 đứa con và ông bà ngoại). Cuộc sống của gia đình ông sống bằng nghề làm thuê, từ sạ lúa, làm cỏ, bón phân, xịt thuốc, vác lúa mướn, … Khi hết đồng thì tìm đến các công trình xin làm phụ hồ; cuộc sống cứ như thế, tháng này rồi qua năm nọ, nhưng gia đình ông Khêl vẫn chưa thể thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình ông Huỳnh Khêl thoát nghèo bền vững.
Nhờ sự tuyên truyền, vận động, hướng dẫn của chính quyền địa phương, 04 người con của ông tham gia học nghề và chỉ sau một thời gian ngắn, 04 người con của ông đã tìm được việc làm tại các Công ty, Xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, các con của ông đã là thợ, là công nhân lành nghề, với mức lương ổn định mỗi tháng từ 08 – 15 triệu đồng. Riêng vợ chồng ông, được chính quyền địa phương hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, với số tiền là 50 triệu đồng, để thực hiện mô hình chăn nuôi heo. Ngoài ra, gia đình ông Khêl còn được Nhà nước hỗ trợ 02 con bò sinh sản (từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững). Hiện đàn bò của ông đang bước vào thời kỳ sinh sản và đàn heo chuẩn bị xuất chuồng đợt thứ 3. Chưa hết, vào năm ngoái, gia đình ông còn được địa phương xét hỗ trợ được 44 triệu đồng, từ Dự án 1 (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số) hỗ trợ xây nhà ở. Ông Huỳnh Khêl chia sẻ: “Được Nhà nước hỗ trợ cùng với số tiền dành dụm, tiết kiệm bấy lâu nay các con tôi gửi về, giúp tôi xây dựng được một căn nhà mới, gia đình tôi đã viết đơn xin được thoát nghèo bền vững”.

Bà con thoát ngheo từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.
Qua rà soát, điều tra hộ nghèo năm 2024, xã Long Phú hiện còn 54 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,59%; số hộ cận nghèo còn 87 hộ, chiếm 2,57%. Như vậy, tỷ lệ nghèo đa chiều của xã Long Phú hiện là 104/3.378 hộ, chiếm 3,08%. Đồng chí Trần Văn Son, Phó Chủ tịch UBND xã Long Phú, cho biết: “Qua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Long Phú đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Để đạt được thành quả trên, trong giai đoạn 2021 – 2025, xã chủ động triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đưa ra mục tiêu tổng quát giảm nghèo đa chiều có tính bao trùm hướng tới sự bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Nâng cao chất lượng cuộc sống, theo đó xã Long Phú phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 2 – 3%/năm, đặc biệt là đối với tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3% trở lên/năm. Ông Thạch Sô Pho, người dân sống ở ấp Bưng Thum, xã Long Phú, chia sẻ: “Trước đây, trên địa bàn xã Long Phú nói chung, ấp Bưng Thum nói riêng, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, nhà tạm bợ, dột nát, chiếm trên hơn 20%, hộ nghèo cũng còn nhiều, đa số người dân thường đi xa quê để làm ăn. Thế những, những năm trở lại đây, cuộc sống của bà con không ngừng thay đổi, rõ nét nhất là từ khi Nhà nước có chủ trương xây dựng nông thôn mới; cộng với nhiều Chương trình, Dự án hỗ trợ của Nhà nước làm cho đời sống của người dân ngày càng phát triển; đường làng sáng, xanh, sạch, đẹp, những ngôi nhà kiên cố, khang trang dần thay thế toàn bộ những căn nhà lá lụp sụp, xiu quẹo ngày nào; kinh tế từng bước phát triển, cuộc sống của bà con ngày càng ấm no, hạnh phúc”.
Đồng chí Trần Văn Son, chia sẻ thêm: “Để hướng đến người dân thoát nghèo bền vững, địa phương tiếp tục đổi mới, đa dạng phương thức, nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, các cấp chính quyền và người dân về chính sách giảm nghèo bền vững. Thực hiện phương châm “Chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, bền bỉ, tế nhị, vững chắc”. Trong công tác tuyên truyền, lấy kết quả thực tiễn để vận động, thuyết phục, tạo sự đồng thuận trong nhân dân cùng quyết tâm thoát nghèo bền vững”.
Thời gian tới, xã Long Phú tiếp tục tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng; khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo; tiếp cận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo; đồng thời, tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Bài và ảnh: Sóc Ca.